NGỒ NGỘ HÁT RU
NGỒ NGỘ HÁT RU
Hồi trước tôi thường chỉ để ý đến 2 loại hát ru: ru cho em ngủ, nếu em còn bé tý, còn nằm ngửa và ru cho em thức dây, nếu em đã lớn rồi, mặt trời lên quá ngọn tre rồi mà em còn muốn ngủ nướng. Dù gì thì gì, trong câu hát ru vẫn thường có cái gì đó ngồ ngộ, buồn cười, thậm chí rất chi là vô lý.
Ngày cu Tý, cháu ngoại tôi mới được sinh ra, có lần đến thăm cháu, bà nội cháu bảo, mải chơi quá cháu không chịu ngủ. Thế là tôi ôm cháu, vỗ vỗ vào đít, cất giọng đàn ông ru cháu:
Em tôi buồn ngủ buồn nghê
Buồn ăn cơm nếp cháo kê thịt gà.
Ngắn quá, cháu tôi chưa chịu ngủ, nhúc nhích hoài. Vậy là tôi bịa thêm vào cho dài:
Cháo kê thì để phần bà
Cơm nếp phần bố, thịt gà phần ông
Phần bé một cái đĩa không
Bé ngồi nước mắt ròng ròng như mưa.
Có tiếng cười khúc khích của bà nội cháu từ trong bếp vọng ra. Đúng là buồn cười thật. Vậy mà cháu tôi ngủ được đấy.
Một lần sinh nhật bà xã, vợ chồng đi nghỉ ở Đà Lạt, tuy mùa hè mà lạnh co ro, phải đắp chăn kín mít. Bà xã tôi ngủ kỹ quá, không có dấu hiệu gì sẽ thức dậy, tôi cũng vỗ vỗ rồi hát:
Nắng đã mơn man trên ngọn thông
Hồ Xuân Hương vẫn thiêm thiếp giấc nồng
Anh khẽ thơm em lên mái tóc
Em quay vào đòi xiết tay ôm
Ngủ nữa đi em bồng bềnh Đà Lạt
Trôi nổi lời ru cái vạc cái nông
Cái cò ngủ muộn đồi thông
Để cho cái vạc cái nông đi tìm.
Có tiếng cười rúc rich trong chăn. Hiệu nghiệm tức thì!
Về Cần Thơ dạy học. Trằn trọc trong khách sạn, nghĩ linh tinh, khó ngủ quá, tôi đâm ra phải ru tôi. Ngồi dậy viết, lại thành ra RU THƠ:
Ngủ ngoan, cát mịn màng xe
Rủ trăng nghiêng hết biển về xa xăm
Ngủ ngoan, đừng rối ruột tằm
Ươm câu ví giặm nhả rằm mà tơ
Ngủ ngoan, đừng thổn thức mơ
Thắp xanh ngày tháng mà thơ với tình.
Cái loại này không biết là loại gì, chẳng phải ru ngủ, cũng không phải ru thức. Vậy mà nghe cũng ngồ ngộ, nhất là câu đầu, lại còn cụm từ “nhả rằm mà tơ” nữa. Đã có vài người muốn sửa nhưng sửa làm gì nhỉ, tôi thích cứ để như thế. Lý sự với thơ, nhất là với hát ru thì có ra gì đâu, chỉ thêm nát!
nxt.